Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội báo cáo về chủ
trương từng bước giảm dần sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tăng
cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN).
Bộ Xây dựng khuyến khích các DN tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu và bảo vệ môi trường. |
Theo đó, ngay từ những năm cuối của thế kỷ XX, Bộ Xây dựng đã nhận thấy
việc đầu tư phát triển sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công
tràn lan tại các địa phương gây hậu quả lớn: Tiêu hao đất sản xuất nông
nghiệp, sử dụng không hiệu quả nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu,
khí) và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Xây dựng lộ trình thay thế vật liệu xây nung
Để từng bước khắc phục tình hình nêu trên, năm 2000, Bộ trưởng Bộ Xây
dựng đã ban hành Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 Quy định về
đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung và đã đưa ra lộ trình chấm dứt
hoạt động của các lò gạch thủ công sản xuất gạch nung. Tiếp đó, năm
2001, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định
115/2001/QĐ-TTg ngày 01/8/2001 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam giai đoạn 2001 -
2010 (gọi tắt là Quyết định 115). Đến năm 2008, Bộ Xây dựng đã trình Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định 121, phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là
Quyết định 121), trong đó quy định về đầu tư sản xuất gạch đất sét nung:
Đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả
các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu
và bảo vệ môi trường.
Và để triển khai có hiệu quả Quyết định 121, Bộ Xây dựng đã trình Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê
duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Sau hơn một năm triển
khai thực hiện Chương trình 567, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị
số 10 về việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng
gạch đất sét nung.
Sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định 567, hiệu quả đạt
được tại các địa phương khá rõ rệt. Trước khi có Quyết định 567, số liệu
thống kê năm 2009 trên toàn quốc đã sản xuất được khoảng 23 tỷ viên quy
tiêu chuẩn (QTC); trong đó VLXKN khoảng 8%, gạch đất sét nung 92%. Hiện
nay có 8 tỉnh đã xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công
cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trình Bộ Xây dựng thẩm
định và ban hành là các tỉnh: Kon Tum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bắc Ninh,
Sóc Trăng, Thái Nguyên, Đak Nông và Lào Cai.
Theo báo cáo của Bộ xây dựng, đến hết năm 2012, trên phạm vi toàn quốc
đã đầu tư các dây chuyền sản xuất VLXKN với tổng công suất khoảng 5,4 tỷ
viên QTC, so với sản lượng vật liệu xây sản xuất năm 2012 chiếm 27%
(sản lượng vật liệu xây năm 2012 khoảng 20 tỷ viên QTC). Trong đó gạch
xi măng cốt liệu là 4 tỷ viên và gạch bê tông nhẹ là 1,4 tỷ viên. Như
vậy sau gần ba năm thực hiện Chương trình, việc đầu tư sản xuất VLXKN
của các DN đã đạt mục tiêu đề ra.
Miễn tiền thuê đất cho DN sản xuất VLXKN
Để thúc đẩy Chương trình 567 vào thực tế, khuyến khích các DN, các
thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXKN, trong những năm qua
Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển VLXKN như: Ưu
đãi thuế suất, thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để phục
vụ dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch xi măng
cốt liệu công suất từ 7 triệu viên /năm trở lên.
Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các loại VLXKN nhẹ có tên trong
danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về
thuế nhập khẩu; Dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nếu đáp ứng về địa
bàn thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN.
Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các loại VLXD loại nhẹ còn được
miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng; miễn tiền thuê đất nếu dự
án được đầu tư tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, được miễn tiền sử dụng đất nếu dự án được đầu tư tại địa bàn
kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Giảm 30% tiền sử dụng đất nếu dự án
thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư không thuộc địa bàn
kinh tế xã hội khó khăn; Được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông
nghiệp…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét