Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Thiếu kiểm soát xả thải ra biển: Mối lo ô nhiễm

Mức độ ô nhiễm vùng ven biển, cửa sông của thành phố đang ngày càng gia tăng. Tình trạng này đe dọa trực tiếp đến môi trường biển. Tuy nhiên, việc kiểm soát xả thải ở khu vực này vẫn thiếu chặt chẽ.
Báo động về ô nhiễm
Cống Nam Đông là nơi tiếp nhận nước thải từ mương An Kim Hải đổ ra biển khu vực Đình Vũ. Nơi đây nước thường có màu đen quánh, đặc sệt, ngày nắng bốc mùi khó chịu. Tương tự, cống C1, cống dưới đê biển, cũng là nơi tiếp nhận nước thải của một số cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Dương Kinh. Cách không xa bến cá đường vào đền bà Đế cũng có cống xả trực tiếp ra biển. Nước qua cống xả thường có màu đen.
Theo kết quả nghiên  cứu "Thực trạng môi trường nước vùng cửa sông ven biển Bắc Bộ" do Tiến sĩ Vũ Hoàng Hoa và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga – (Trường đại học Thủy lợi Hà Nội) thực hiện, khu vực nước biển ven bờ thuộc vùng biển Hải Phòng, đặc biệt là khu vực cửa sông có cảng, đang bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm trước tiên phải kể đến là ô nhiễm dầu. Hàm lượng dầu trong nước ở vùng biển ven bờ tăng cao, nhất là ở khu vực cửa sông, gần khu vực cảng, bến đỗ tàu thuyền. Hệ số ô nhiễm dầu trong trầm tích tăng từ 0,7 (năm 2001) lên 2,4 (năm 2008). Ô nhiễm đục nước đứng thứ hai sau ô nhiễm dầu. Gần đây ảnh hưởng đục của nước ven bờ tăng lên rõ ở khu vực bãi tắm, ảnh hưởng xấu tới du lịch và làm chết san hô, giảm năng suất sơ cấp thực vật nổi do hạn chế quang hợp. Đây là hậu quả của nạn phá rừng đầu nguồn và xói lở ở ven biển. Chỉ tính riêng sông Cấm từ năm 1960 đến năm 1992, lưu lượng nước tăng bình quân hàng năm từ 1 km3/năm lên 12,9 km3/năm và hàm lượng phù sa tăng từ 20 g/m3 lên 340 g/m3. Độ ôxy hoà tan (DO) của vùng biển thấp, trung bình khoảng 3,3 đến 10,9 mg/l vào mùa khô và khoảng 0,1 đến 6,1 mg/l vào mùa lũ. Nhu cầu ôxy hoá sinh học (BOD) khá cao (13,6 đến 31 mg/l), chỉ số vi sinh (coliform) qua khảo sát đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân của tình trạng này là do chất thải công nghiệp, đô thị, các khu dân cư và những hoạt động trên biển gây ra. Ô nhiễm dầu chủ yếu do tình trạng phát triển giao thông thuỷ, công nghiệp và do các phương tiện tàu thuyền đánh cá lạc hậu... và thiếu trang thiết bị, cũng như khả năng ứng cứu, xử lý khi có sự cố tràn dầu.
Lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh Lan Hạ, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải).
Lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh Lan Hạ, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải).
Quản lý lỏng lẻo
Từ năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Theo đó, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên hải đảo, chủ phương tiện nổi trên biển có trách nhiệm báo cáo về chất thải và phương án xử lý chất thải với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường. Nước thải từ các dàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí, phương tiện nổi, nước dằn tàu của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại các vùng biển của Việt Nam chỉ được phép xả ra biển sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...
Quy định đã có, song việc kiểm soát xả thải vẫn chưa được thực hiện. Tại khu vực ở cửa hàng ăn uống tại bãi biển khu 295, khu 2 Đồ Sơn,... du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhà hàng ở đây xả trực tiếp ra biển bằng những đường thoát nước thô sơ, nhiều khi lênh láng ra bãi cát chung quanh. Việc xả thải ra biển diễn ra một cách công khai mà không có sự xử lý, nhắc nhở nào. Không riêng ở Đồ Sơn, tại khu vực Cát Bà, quy hoạch khu vực chỉ cho phép khoảng hơn 250 bè cá,  nhưng tới nay số bè cá lên tới hơn 500 với hàng nghìn lồng nuôi cá. Mỗi bè lại có một kiểu cho cá ăn riêng. Các loại cá sống, cá chết được băm nhỏ dùng làm thức ăn, rồi tinh bột, rau tươi,… rất cả tống xuống hàng nghìn ô lồng. Cá ăn không hết, thức ăn hoặc lọt qua lưới xuống đáy biển, hoặc trôi khắp khu vực biển gần đó. Mặc dù chưa có được số liệu quan trắc cụ thể, nhưng chỉ bằng cảm quan cũng thấy ô nhiễm môi trường biển ở đây đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng lạ một điều là chưa có cá nhân hay doanh nghiệp nuôi cá lồng bè nào bị xử lý về vấn đề này.
Tình trạng nhận thức về xả thải với nguy cơ ô nhiễm môi trường biển chưa đầy đủ và sự vào cuộc thiếu mạnh mẽ của các cơ quan chức năng đang góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm biển.

Không có nhận xét nào: