Cần giải quyết đầu ra đối với sản phẩm tái chế từ rác thải
12/14/13 3:04 PM
12/14/13 3:04 PM
Xem với cỡ chữ Gửi bài viết email In bài viết
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh tại buổi làm việc với Sở Xây dựng Hà Nam về tình hình xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh và khảo sát thực tế công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) tại Cty TNHH Thủy lực máy, KCN Đồng Văn 1, tỉnh Hà Nam, ngày 12/12.
Cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề quy hoạch xử lý rác thải
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện mỗi ngày Hà Nam có khoảng 139 tấn CTR phát sinh tại các đô thị và khoảng 110 tấn/ngày tại khu vực nông thôn. Trong đó, tỷ lệ thu gom CTR của TP Phủ Lý đạt 90% (70 tấn/ngày), các thị trấn từ 50-80% và khu vực nông thôn khoảng 60%.
Tính đến năm 2012, tỉnh đã đầu tư 4 nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ đốt, công nghệ chế biến thành phần vi sinh và 3 bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, hiện các bãi rác đều đã được di dời đến nơi xa khu dân cư. Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay là vấn đề xử lý nước rác thải vì bãi chôn lấp ở gần khu vực sông, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, Hà Nam cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề quy hoạch xử lý rác thải, bởi vấn đề xử lý CTR liên quan đến nhiều địa phương khác nhau, mang tính vùng nên nếu chỉ xử lý theo hướng cục bộ thì sẽ bị vướng trong quá trình triển khai. Thực tế cũng cho thấy, ngay trong cùng một tỉnh mà các xã khác nhau thì không xã nào muốn đưa bãi rác về xã của mình.
Giải quyết đầu ra đối với sản phẩm tái chế từ rác thải
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhận định, khi xây dựng một nhà máy xử lý rác thải, quan trọng là phải làm sao để giải quyết được đầu ra. Chỉ khi giải quyết được đầu ra thì doanh nghiệp xử lý rác mới có thể phát triển được.
Đi theo hướng đó, hiện Cty TNHH Thủy lực máy đã nghiên cứu áp dụng thành công công nghệ MBT-CD.08 để xử lý, tái chế CTR thành nhiên liệu, điện khí hóa CTR thành năng lượng nhằm nâng cao giá trị gia tăng của viên nhiên liệu sau rác. Công nghệ này đã được Hội đồng Khoa học quốc gia thẩm định và được Bộ Xây dựng chứng nhận là công nghệ phù hợp, cho phép nhân rộng trên cả nước và được cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng phát minh sáng chế.
Giám đốc Cty TNHH Thủy lực máy Nguyễn Gia Long cho biết: Tiêu chí đầu tiên Cty đặt ra khi nghiên cứu công nghệ này là phải tạo được lợi nhuận cho những doanh nghiệp xử lý CTR vì công nghệ xử lý CTR khó khăn nhất là giải quyết được đầu ra. Chỉ khi doanh nghiệp có lợi nhuận thì người ta mới đầu tư, còn nếu chỉ hô hào ra thì sẽ không ai muốn làm.
Theo ông Long, công nghệ MBT-CD.08 đã giải quyết thành công bài toán đầu ra cho các nhà máy xử lý CTR và hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ CTR sẽ được tái tạo thành viên nhiên liệu RDF và các loại nylon, da, cao su, nhựa… được tái chế thành chất kích bốc, chất dẫn cháy cho nhiệt lượng cao để dùng trong lò đốt. Với những lò đốt khí hóa này, các công ty xử lý CTR có thể bán cho các khu công nghiệp có sử dụng nồi hơi, sử dụng nhiệt.
Ông Long cho biết, với công nghệ MBT-CD.08 có thể xử lý 3 loại rác trong cùng một dây chuyền. Rác sẽ được xử lý toàn bộ ngay trong ngày, không tạo khí thải hay nước rác và không cần bãi tập kết rác nên không gây ô nhiễm môi trường.
Công nghệ này được tự động hóa hoàn toàn, giúp hạn chế tối đa việc công nhân tiếp xúc với rác thải và rất dễ vận hành, bảo dưỡng, lại tốn ít diện tích nhà xưởng và mặt bằng, an toàn về cháy nổ.
Đánh giá cao hiệu quả của công nghệ MBT-CD.08, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chỉ đạo: Cty TNHH Thủy lực máy cần tiếp tục hoàn thiện công nghệ hơn nữa, đưa công nghệ vào ứng dụng tại các nhà máy xử lý rác, góp phần giải quyết vấn nạn rác thải, cải thiện môi trường sống cho người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét