Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh khảo sát cơ sở xử lý CTR ở Hà Nội
12/7/13 2:18 PM
Ngày 5/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cùng đoàn công tác Bộ Xây dựng đã đến khảo sát nhà máy xử lý rác thải của 2 đơn vị xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt ở Hà Nội là nhà máy xử lý CTR sinh hoạt Xuân Sơn (thuộc HTX Môi trường Thành Công) và Cty CP dịch vụ xử lý rác thải Thăng Long (Cty Thăng Long).
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh khảo sát nhà máy xử lý CTR sinh hoạt của Cty Thăng Long.
Tại nhà máy xử lý CTR sinh hoạt Xuân Sơn, Thứ trưởng đã đi thăm thực tế tình hình hoạt động, xử lý rác thải của nhà máy và nghe lãnh đạo nhà máy trình bày về công nghệ đốt mà DN đang áp dụng.
Đây là nhà máy sử dụng công nghệ trong nước đã được Sở Khoa học Công Nghệ Hà Nội cấp chứng nhận. Giám đốc nhà máy Phạm Thiện Chiến cho biết: Hiện nay công nghệ tương tự đã được áp dụng tương đối phổ biến ở Hải Phòng, Quảng Ninh... và được đánh giá cao về hiệu quả xử lý rác.
Mỗi ngày nhà máy xử lý CTR sinh hoạt Xuân Sơn tiếp nhận từ 100 - 150 tấn rác. Trong đó 75% rác được xử lý bằng phương pháp đốt, lượng tro xỉ và 25% rác còn lại được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Theo ông Chiến, khó khăn nhất hiện nay của Cty là chưa được áp một đơn giá chính thức mà đang thực hiện theo đơn giá tạm tính, với mức 260 nghìn đồng/tấn nên chưa đáp ứng được chi phí hoạt động của nhà máy.
Trong khi đó, Cty Thăng Long áp dụng công nghệ lò đốt do Cty tự nghiên cứu, chế tạo từ năm 2009 và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích "Quy trình và hệ thống xử lý rác".
Năm 2012, công nghệ này đã được trao tặng giải Ba Giải thưởng khoa học, công nghệ sáng tạo Việt Nam và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng thưởng cúp WIPO.
Cty Thăng Long sở hữu 2 dây chuyền công nghệ xử lý rác thải bằng công nghệ đốt. Dây chuyền số 1 đã đi vào hoạt động chính thức. Dây chuyền 2 đã bước vào giai đoạn hoạt động thử nghiệm. Tổng công suất xử lý rác của 2 dây chuyền (sau khi hoàn thiện) đạt trên 700 tấn/ngày.
Dây chuyền 2 có công suất thiết kế xử lý rác đạt mức 300 tấn/ngày, được áp dụng công nghệ mới nhất của Cty với khả năng thu hồi nhiệt gần 50% và sấy rác hiệu quả. Hiện dây chuyền này đang trong giai đoạn hoàn thiện và chạy thử nghiệm.
Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng giám đốc Cty Thăng Long cho biết: "Suất vốn đầu tư của Cty cho dây chuyền 2 chỉ bằng 38% suất vốn đầu tư công nghệ và thiết bị Trung Quốc, bằng 15% suất vốn đầu tư công nghệ và thiết bị Nhật Bản. Trong khi đó, so với suất vốn đầu tư công nghệ và thiết bị châu Âu, thì con số này chỉ bằng 11%".
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cùng Tổng giám đốc Cty Thăng Long thăm khu vực xử lý xỉ của nhà máy.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, công nghệ lò đốt với kỹ thuật thu hồi nhiệt, sấy khô rác là một sự sáng tạo. Vì trên thực tế, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác của cả nước chưa có sự phân loại rác hiệu quả.
Những thành phần hữu cơ trong rác (như rau, củ quả...) chiếm tỷ lệ khá lớn với độ ẩm cao, cùng với việc phơi rác lộ thiên nên thường bị ướt, hoặc do hơi ẩm của không khí cao.
Thứ trưởng cho biết: "Phương pháp xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt là xu hướng cơ bản được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và đang được triển khai ở Việt Nam để thay thế việc xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp (còn phổ biến) ở nước ta hiện nay. Tại một số địa phương áp dụng biện pháp chôn lấp song không xử lý đúng quy trình, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cuộc sống người dân".
Với sự quan tâm đặc biệt đối với việc áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến trong xử lý rác thải, đảm bảo môi trường trên cả nước, đặc biệt là ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP. HCM, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Bộ Xây dựng rất coi trọng và khuyến khích các DN nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ trong việc xử lý rác thải nhằm đảm bảo chất lượng môi trường đô thị nói riêng, môi trường sống của người dân cả nước nói chung.

Không có nhận xét nào: