Đề án bảo vệ nguồn nước ngọt tại một số sông, kênh, hệ thống trung thuỷ nông của Hải Phòng
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020
(Dự thảo báo cáo tóm tắt đề án của UBND thành phố trình kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa 14)
Hải Phòng có tổng chiều dài của toàn bộ mạng lưới sông ngòi chảy qua thành phố khoảng gần 280km với mật độ lưới sông trung bình khoảng 0,18 km/km2, chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam và đổ ra biển. Hệ thống sông ngòi chảy qua địa phận thành phố Hải Phòng đã phân chia diện tích tự nhiên của thành phố thành 05 khu vực riêng biệt: khu vực Thủy Nguyên; khu vực các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An và huyện An Dương; khu vực huyện Vĩnh Bảo; khu vực huyện Tiên Lãng; khu vực các quận: Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và các huyện: Kiến Thụy, An Lão (không tính huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ).
Tài nguyên nước mặt của thành phố Hải Phòng được các dòng sông vận chuyển từ thượng nguồn xuống, được tích trữ, sử dụng thông qua hệ thống các công trình thủy lợi. Tại nhiều nơi trong thành phố, nguồn nước ngọt ngày càng bị suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến thiếu nước vào mùa kiệt và ô nhiễm nguồn nước thô trong phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, việc ngăn chặn suy thoái và nâng cao chất lượng nguồn nước ngọt được HĐND thành phố và các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm. Việc xây dựng các giải pháp nhằm quản lý chất lượng nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố là cần thiết.
Phần I
SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết của Đề án
Sự phát triển mạnh về kinh tế, đặc biệt là về công nghiệp và đô thị đã làm cho nhu cầu dùng nước của Hải Phòng tăng mạnh. Theo kết quả tính toán sơ bộ của Viện Quy hoạch thủy lợi, tổng lượng nước đến hằng năm qua thành phố Hải Phòng vào khoảng 5,1 tỷ m3/năm nhưng nguồn nước phân bố không đều theo cả không gian và thời gian. Trước nhu cầu khai thác, sử dụng nước của thành phố Hải Phòng ngày càng tăng và tình trạng suy giảm chất lượng nước, đặc biệt là đối với nguồn nước ngọt, ngày càng diễn ra ở nhiều nơi với các mức độ khác nhau, khả năng thiếu nước cho các ngành kinh tế, nhất là vào mùa khô ngày càng rõ và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững cũng như chất lượng đời sống nhân dân của thành phố.
Kết quả quan trắc, giám sát tài nguyên nước và môi trường trong thời gian vừa qua cho thấy, hiện nay, nguồn nước ngọt tại các sông cấp nước trên địa bàn thành phố ngày càng suy thoái, ô nhiễm do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng và chất lượng nguồn nước thô phục vụ sản xuất, sinh hoạt, duy trì môi trường sinh thái và tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020” là cấp thiết.
II. Phạm vi Đề án
Phạm vi Đề án bao gồm sông Giá, sông Rế, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng.
III. Căn cứ xây dựng Đề án
- Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH 11 ngày 29-11-2005;
- Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH 13 ngày 21-6-2012;
- Pháp lệnh Bảo vệ và Khai thác công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 4-4-2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25-8-2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020;
- Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7-9-2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;
- Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11-1-2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7-9-2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;
- Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 1-12-2008 của Chính phủ về việc quản lý lưu vực sông;
- Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20-10-2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi;
- Quyết định số 271/2006/QĐ-TTg ngày 27-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2020”;
- Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 19-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Thông tư số 15/2009/TT-BTNMT ngày 5-10-2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Định mức kinh tế-kỹ thuật lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước;
- Báo cáo số 166/BC-BCS ngày 23-11-2007 của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về công tác quản lý và phát triển đô thị Hải Phòng đến năm 2010;
- Kế hoạch số 11/KH-HĐND ngày 13-8-2013 của HĐND thành phố về việc chuẩn bị kì họp thứ 7 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV (nhiệm kì 2011-2016).
Phần II
ĐẶC ĐIỂM, HIỆN TRẠNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ BẤT CẬP TRONG KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT
I. Đặc điểm mạng lưới sông trên địa bàn thành phố
I.1. Mạng lưới sông chính
Các sông chính nằm trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều là phần hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình sau khi đã qua địa phận tỉnh Hải Dương. Sông chính của Hải Phòng là những sông nhánh cấp 1, cấp 2 của hệ thống sông chung. Tổng số sông suối của toàn vùng là hơn 50. Theo thống kê ban đầu, có 8 hệ thống sông là sự tập hợp của các con sông suối, trong đó có 13 con sông có chiều dài trên 10 km, còn lại phần lớn là các sông, suối nhỏ ngắn và dốc, được phân bố chủ yếu ở rìa phía Đông Nam và ở phần giữa và rìa của phía Tây Nam.
II.2. Mạng lưới sông nhánh
Mạng lưới sông nhánh trên địa bàn thành phố bao gồm một số sông: Hóa, Mới, Mía, Tam Bạc, Kinh Môn, Hàn, Rế, Giá, Đa Độ.
- Sông Hóa: là phân lưu của sông Luộc được tách ra từ ngã ba Chanh Chử và nhập lưu với sông Thái Bình tại Trấn Dương, dài 37 km, độ sâu trung bình 80 m, độ rộng trung bình 3 m, sông uốn khúc và có bãi rộng ở hai bên bờ sông Hóa là ranh giới tự nhiên giữa Hải Phòng và Thái Bình.
- Sông Mới: nối liền sông Thái Bình với sông Văn Úc, trước kia là sông nhân tạo mới được đào năm 1936. Do đoạn sông thẳng và ngắn với chiều dài 3 km, độ dốc đáy sông lớn, phía hạ lưu sông Thái Bình lại uốn khúc, do đó lượng nước ngày càng có xu hướng chuyển qua sông Văn Úc là chính, chiếm 60% lượng nước sông Thái Bình. Vì thế sông Mới có tốc độ chảy lớn nhất so với các sông của thành phố, sức xói lở hai bờ và tạo lòng mạnh mẽ. Hướng chảy chủ yếu là Tây-Đông, độ sâu trung bình 6,0 m, độ rộng trung bình là 100 m.
- Sông Mía: cũng nối liền sông Thái Bình với sông Văn Úc ở phía trên sông Mới thuộc địa phận Hải Phòng dài 3 km. Do hoạt động của con người và quá trình bồi lắng đoạn hạ lưu sông Thái Bình nên dòng chính chuyển qua sông Mía, làm cho sông này ngày càng được mở rộng, tốc độ chảy ngày càng tăng. Độ rộng trung bình 100 m, độ sâu trung bình 4 m, hướng chảy gần như Tây-Đông.
- Sông Tam Bạc: nối liền sông Lạch Tray với sông Cấm (từ Niệm Nghĩa đến cầu Thượng Lý) dài 3 km theo hướng Tây Nam-Đông Bắc độ sâu trung bình 4 m; độ rộng trung bình 80 m. Ngoài ra ở phía Bắc thành phố có đoạn sông Kinh Môn, là ranh giới tự nhiên với tỉnh Hải Dương, dài 12 km. Độ rộng trung bình 120 m, hệ số uốn khúc 2,4 và chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam là chủ yếu.
- Sông Hàn: nối liền sông Kinh Thầy với sông Đá Bạc, độ sâu trung bình 4 m. Hướng chảy là Tây Nam-Đông Bắc.
- Sông Giá: có chiều dài khoảng 19 km nằm ở phía Bắc thành phố Hải Phòng. Sông gián tiếp nhận nước từ sông Đá Bạc qua cống Phi Liệt và nhập lại vào sông Bạch Đằng qua đập Minh Đức.
- Sông Rế: có tổng chiều dài trên địa bàn thành phố Hải Phòng khoảng hơn 10 km, nằm ở phía Tây của thành phố Hải Phòng.
- Sông Đa Độ: có chiều dài gần 50 km nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hải Phòng, tiếp nhận nước từ sông Văn Úc qua cống Trung Trang, chảy qua địa bàn các quận/ huyện Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, An Lão sau đó nhập lại sông Văn Úc tại cống Cổ Tiểu.
I.3. Nguồn nước từ nơi khác đến
Ngoài lượng mưa, Hải Phòng còn là vùng hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, sông ngòi Hải Phòng được tiếp nhận lượng nước theo hai hướng từ thượng nguồn đổ về và do dòng triều từ biển dồn vào. Trung bình hàng năm tổng lượng dòng chảy qua các sông dao động từ 0,05÷1,33.109.m3
Trong các tháng mùa lũ tổng lượng dòng chảy chiếm tới 75% đến 85% lượng dòng chảy năm, những tháng mùa cạn chỉ chiếm khoảng 15% đến 25%. Về mùa cạn ngoài lượng nước từ thượng nguồn khá ổn định chảy về, ở Hải Phòng còn tiếp nhận lượng nước triều với khối lượng không nhỏ từ ngoài biển dồn vào qua các sông.
II. Hiện trạng và bất cập trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt trên địa bàn thành phố
II.1. Sông Rế hiện cấp nước tưới tiêu cho hơn 10.000 ha đất canh tác nông nghiệp của huyện An Dương, đồng thời là nguồn phục vụ cho các nhà máy sản xuất nước sạch như: An Dương, Vật Cách hiện tại, Vật Cách mới, Kim Sơn, với tổng công suất là 210.000 m3/ngày đêm, sẽ tăng lên 660.000m3 ngày đêm. Bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu nước sạch cho nhân dân các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An và huyện An Dương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và 3 khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Tràng Duệ và An Dương.
Hiện nguồn nước sông Rế đang bị ô nhiễm từ nhiều nguồn: Nước thải sinh hoạt, sản xuất của thị trấn An Dương, các xã Lê Lợi, Đặng Cương, Hồng Thái, Đồng Thái, An Đồng thoát theo tuyến kênh An Kim Hải từ cống Hà Liên theo đường 208 và 220 qua đập Cái Tắt thoát sông Lạch Tray.
Nước thải sinh hoạt của xã Nam Sơn, Bắc Sơn huyện An Dương, phường Hùng Vương quận Hồng Bàng và các doanh nghiệp phía bắc đường 5, bệnh viện Giao thông vận tải đang xả vào kênh Bắc Nam Hùng đổ vào sông Rế qua cống Tây Hà (xã Bắc Sơn) và cống An Trì (phường Hùng Vương).
Tình trạng các cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi, các nghĩa trang tự phát xả nước thải, rác thải trực tiếp xuống lòng sông gây ô nhiễm nguồn nước; khu vực thị trấn An Dương có công trình xây dựng nhà kiên cố, lấn chiếm hành lang bảo vệ.
Trên hệ thống An Kim Hải có 58 điểm xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, trong đó có 32 khu dân cư, 18 doanh nghiệp, 6 nghĩa trang, 2 bệnh viện; 423 trường hợp lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đến nay đã giải tỏa 44 trường hợp. Do đó, nguồn nước sông Rế đã bị ô nhiễm bởi hàm lượng chất hữu cơ, amoni, kim loại nặng,… vượt quá tiêu chuẩn cho phép (mức A2 trong QCVN 08:2008/BTNMT).
II.2. Sông Giá thuộc hệ thống sông Bạch Đằng bắt nguồn từ sông Đá Bạc tại khu vực xã Lại Xuân chạy qua các xã thuộc phía Đông Bắc của huyện, rồi đổ vào sông Bạch Đằng tại khu vực Đầm De thuộc thị trấn Minh Đức. Sông Giá cung cấp nước tưới cho hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời là nguồn nước ngọt để sản xuất nước sạch cho tất cả các khu, cụm công nghiệp và dân cư trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Hiện thời là sông sạch nhất thành phố nhưng cũng đang có nguy cơ bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để xả trực tiếp vào nguồn nước, đáng chú ý là nước thải từ làng nghề Mỹ Đồng, đóng tàu, khai thác và chế biến khoáng sản (như khu vực khai thác khoáng sản An Sơn thuộc đầu nguồn sông Giá), các bãi rác ven sông, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp là những tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện có 35 trường hợp xả nước thải tập trung vào nguồn nước, hàng trăm trường hợp lấn chiếm đất xây dựng hai bên bờ sông.
II.3. Sông Đa Độ có trữ lượng nước khoảng 17 triệu m3, chảy qua địa phận các quận, huyện Kiến An, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Dương Kinh, An Lão. Hiện nay, sông Đa Độ đang đảm nhận các chức năng:
- Tưới tiêu chủ động cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch của thành phố: Nhà máy nước Cầu Nguyệt (công suất 40.000 m3/ngày), sông He (10.000 m3/ngày), Hưng Đạo (dự kiến công suất 25.000 m3/ngày); ngoài ra nhà máy nước Viwaseen cấp nước thô cho Khu công nghiệp Đình Vũ. Theo quy hoạch cấp nước đến năm 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhà máy nước Cầu Nguyệt sẽ có công suất là 200.000 m3/ngày, Hưng Đạo là 200.000 m3/ngày, Viwaseen là 170.000 m3/ngày phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt cho nhân dân của các quận/huyện trong lưu vực sông.
Tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi dọc hai bên bờ sông diễn ra với nhiều hình thức như: Khoanh ao, đầm nuôi trồng thủy sản; Trồng cây lâu năm, cây ăn quả trên bờ kênh; San lấp bờ kênh để cấy lúa, trồng rau; Làm nhà tạm, kể cả nhà kiên cố trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; mai táng sát bờ kênh, bờ sông, đặc biệt là nghĩa trang phường Tràng Minh-quận Kiến An.
Hiện nay, trên hệ thống sông có khoảng 11 bệnh viện lớn, nhỏ (bệnh viện Kiến An, bệnh viện Lao và bệnh phổi, bệnh viện chỉnh hình Na-uy, bệnh viện Ruồn…); khoảng 60 trạm xá xã, phường; 120 cơ sở sản xuất công nghiệp và 50 làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, chế biến lương thưc, thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết các cơ sở này đều không có công trình xử lý nước thải và xả trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ.
II.4. Kênh Chanh Dương là kênh tưới tiêu chính của toàn huyện Vĩnh Bảo. Kênh có chiều dài 24,5km từ cống Chanh Chử (Thắng Thủy)
đến cống 1 (Trấn Dương) đi qua địa bàn 16 xã, thị trấn của huyện. Nguồn nước chính cung cấp cho kênh Chanh Dương lấy từ sông Luộc, thông qua các công trình đầu mối cống Chanh Chử, cống Ba Đồng, cống Đồng Ngừ. Hệ thống thủy nông bảo đảm tưới tiêu cho 10.400ha diện tích đất nông nghiệp và dân sinh kinh tế trên địa bàn huyện. Ngoài ra còn có nhiệm vụ cung cấp nước thô cho 25 trạm nước sạch trên địa bàn huyện, với công suất khoảng 3.500m3/ngàyđêm, cung cấp nước nước sạch cho 30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy triều hoạt động mạnh, nước mặn dâng cao (từ 13km đến 15km), nguồn nước ngọt bị thu hẹp, bão lũ và mưa lớn xảy ra gây khó khăn cho công tác tiêu úng. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất kinh doanh phát triển, nguồn nước thải chưa được xử lý khi xả thải ra hệ thống kênh tưới tiêu gây ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, phát sinh nguồn sâu bệnh nhiều, ảnh hưởng từ nguồn thuốc bảo vệ thực vật ở trên đồng ruộng tiêu thoát ra các hệ thống kênh và qua kênh Chanh Dương làm ảnh hưởng đến chất lượng nước của hệ thống.
Các ao hồ trong khu dân cư nông thôn bị thu hẹp, lượng nước thải sinh hoạt và chăn nuôi trong khu dân cư nông thôn phần lớn được thải qua các kênh nhánh tưới tiêu và kênh trục ra hệ thống kênh Chanh Dương và một phần tiêu thoát trực tiếp qua các kênh và cống qua đê khác. Nước thải chưa qua xử lý của các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo xả thải ra các hệ thống kênh mương thủy lợi và dồn về hệ thống trung thủy nông cũng là những tác nhân làm suy giảm chất lượng nguồn nước.
II.5. Hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng được chia tách thành 2 khu vực độc lập Bắc-Nam sông Mới, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới, tiêu cho hơn 23.000 ha cây trồng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các ngành kinh tế và nước sinh hoạt. Hệ thống công trình thủy lợi trên hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng gồm 64 cống dưới đê, 53 cống đập điều tiết nội đồng, 79 trạm bơn điện, 237,7km kênh mương-trong đó có 43km kênh trục chính.
Hiện nay toàn bộ nước thải tại các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt của 23 thị xã, thị trấn và Công ty TNHH Một thành viên nông nghiệp Quý Cao đều xả vào hệ thống kênh trung thủy nông Tiên Lãng. Huyện Tiên Lãng gồm 23 xã, thị trấn, dân số đông, nhiều lĩnh vực có hoạt động liên quan đến việc xả nước thải vào hệ thống như: Khu vực suối khoáng thuộc xã Bạch Đằng, khu vực da giày thị trấn Tiên Lãng, bệnh viện huyện Tiên Lãng, các chợ, khu vực nuôi trồng thủy sản Tiên Hưng; các trại lợn, trại gà trên toàn huyện; các khu vực nghĩa trang của xã trong toàn huyện. Công tác quản lý trong khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng còn nhiều bất cập gây cản trở trong việc sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững nguồn nước.
II.6. Hòn Ngọc là một con kênh nhỏ dài 28,4 km, chiều rộng lớn nhất là trên 100m, chiều rộng nhỏ nhất khoảng 36m, bắt nguồn từ sông Kinh Thày tại cống An Sơn, xã An Sơn và đổ ra sông Cửa Cấm tại cống Bính Động, xã Hoa Động. Kênh chảy uốn khúc qua địa phận 16 xã thuộc huyện Thuỷ Nguyên. Ngoài nguồn cung cấp nước chính là sông Kinh Thày, kênh Hòn Ngọc còn được cung cấp nước bởi 5 con kênh nhánh là kênh Núi Lấm, Phù Yên, Kiền Bái, Thiên Lâm và Chu. Trữ lượng nước kênh Hòn Ngọc đạt 2.106 m3.
Cùng với sông Giá, kênh Hòn Ngọc là nguồn cung cấp nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản đồng thời có nhiệm vụ quan trọng là cấp nước sinh hoạt cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ, phát triển giao thông thuỷ và du lịch sinh thái, góp phần cải tạo môi trường sinh thái trên địa bàn huyện. Ngoài chức năng trên, kênh Hòn Ngọc còn phải hứng chịu toàn bộ nước thải công nghiệp, dân sinh và nước mưa trên địa bàn đều tập trung để tiêu ra sông Cấm qua cống đầu mối là cống Bính Động (xã Hoa Động). Phục vụ nước tưới cho 7.328,9 ha đất sản xuất lúa, trồng màu và 345,6 ha cho nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt; cung cấp nước sinh hoạt với sản lượng trung bình 11.050 m3/ngày.đêm. Cung cấp nước thô cho các công ty, nhà máy lớn trong khu vực.
Hiện nay chưa có điều tra chính thức nào về chất lượng môi trường nước kênh Hòn Ngọc nhưng đây là con kênh chịu sự xả thải của tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, nước thải dân sinh của 16 xã mà kênh chảy qua. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng nước của kênh Hòn Ngọc, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cung cấp cho các hoạt động sản xuất, dân sinh trên địa bàn. Thực trạng khai thác, sử dụng nguồn nước, xả nước thải vào nguồn nước kênh Hòn Ngọc cho thấy một số nguyên nhân hoặc nguy cơ làm suy thoái chất lượng nước kênh Hòn Ngọc.
3. Nguyên nhân gây ô nhiễm làm suy giảm chất lượng nguồn nước
Quá trình nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các vấn đề bất cập trong khai thác sử dụng nước mặt trên hệ thống các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng cho thấy tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước của các hệ thống bao gồm:
III.1. Ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động xả thải.
- Nguồn dư lượng thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật; trong quá trình canh tác nông nghiệp, một phần lớn dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật đã theo đường tiêu thoát nước đi vào nguồn nước là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
- Nước thải từ các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, không qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu thải vào hệ thống các sông nói trên.
- Nguồn thải từ các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế của các xã, phường. Đây là một tác nhân hết sức nguy hiểm gây ô nhiễm, các chất thải nguy hại (chất thải y tế) rất khó xử lý.
- Các nghĩa trang nằm dọc theo các bờ sông: từ tập quán, phong tục của từng vùng miền việc an táng, cát táng gây ra mất vệ sinh ô nhiễm nguồn nước.
- Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn của các địa phương được bố trí chăn nuôi sát cạnh các nguồn nước trong khi công tác thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải chưa được quan tâm xử lý đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Các bãi rác chôn lấp rác thải sinh hoạt của các xã, thị trấn thường được bố trí cạnh các dòng sông, hệ thống công trình thuỷ lợi không được xây dựng đúng quy trình đã biến thành nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước mặt.
- Nước thải sinh hoạt của các khu dân cư không được thu gom xử lý chảy trực tiếp tới nguồn nước cũng là những nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.
- Giao thông vận tải thuỷ trên các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng làm nguồn nước ô nhiễm dầu mỡ ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt các hệ thống này.
III.2. Các nguồn nước của thành phố là hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình do vậy phải chịu toàn bộ lượng chất thải từ thượng nguồn của hai hệ thống sông này dồn về. Đây là một trong các tác nhân quan trọng trong việc quản lý liên quan đến liên vùng, liên tỉnh của các cấp có thẩm quyền chỉ đạo. Cần phải có sự phối hợp giữa các tỉnh thành phố và Bộ ngành Trung ương.
III.3. Đầu tư ngân sách cho các công trình bảo vệ nguồn nước còn hạn chế.
III.4. Nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước không đầy đủ và toàn diện, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của nguồn nước ngọt.
III.5. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa hiệu quả, chưa đạt được chuyển biến trong ý thức, nhận thức, chấp hành, thực thi pháp luật của nhân dân, doanh nghiệp, nhất là một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý nguồn nước ở các cấp.
III.6. Công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thật sự có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước chưa được đề cao; các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện đúng các quy định, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
III.7. Hải Phòng là thành phố cửa sông ven biển, quá trình dâng cao của mực nước biển, tác động của thuỷ triều làm tăng nguy cơ ngập lụt và xâm nhập mặn các địa phương ven biển. Xâm nhập mặn bị đẩy sâu vào trong đất liền sẽ gây mất cân bằng hệ sinh thái, mục đích canh tác sử dụng đất và ô nhiễm nguồn nước ngọt. Ngoài ra biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn ảnh hưởng và đe dọa đến sự phát triển kinh tế bền vững.
IV. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2020
IV.1. Mục tiêu tổng quát:
Bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn nước ngọt, phục hồi chất lượng nguồn nước ngọt của các sông Đa Độ, sông Giá, sông Rế, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng đảm bảo cho nhu cầu, đời sống nhân dân; sản xuất của các ngành kinh tế-xã hội của thành phố.
IV.2. Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2013-2015: + Thống kê lập biên bản đình chỉ; lập kế hoạch di chuyển các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ. Ngăn chặn các nguồn phát sinh gây ô nhiễm mới ảnh hưởng đến các nguồn nước ngọt. Từng bước cải thiện tình trạng suy thoái, ô nhiễm các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, duy trì chất lượng nguồn nước đối với sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng như chỉ số kiểm soát năm 2013.
+ 100% số các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn nước. 100% số cán bộ, công chức làm công tác quản lý tài nguyên nước và môi trường các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Kiểm soát 70% lượng nước được xử lý trước khi thải ra môi trường các lưu vực sông; bảo đảm thu gom toàn bộ lượng nước thải, không để xả thải trực tiếp ra sông, trước mắt đối với các sông: Giá, Rế, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng.
+ Lập bản đồ địa chính, xác định hành lang bảo vệ, cắm mốc chỉ giới ngoài thực địa.
+ Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; phân cấp, xác định rõ chủ thể quản lý các sông; xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ nguồn nước giữa các ngành, địa phương.
- Giai đoạn 2016-2020:
+ Phấn đấu đến năm 2020 chất lượng nước của các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng có độ sạch cho phép theo các tiêu chuẩn hiện hành về cấp nước cho các mục đích khai thác, sử dụng; duy trì và áp dụng đồng bộ, thường xuyên có hiệu quả công tác bảo vệ nguồn nước trên hệ thống các sông này.
+ Trong phạm vi hành lang, bảo vệ nguồn nước không còn công trình xây dựng trái phép tồn tại, không còn các cửa xả trực tiếp nước thải vào nguồn nước.
V. Nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố
V.1. Tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cộng đồng dân cư trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngọt có ý nghĩa quyết định đối với sự sống.
- Xây dựng mô hình quản lý, bảo vệ nguồn nước có sự tham gia của cộng đồng dân cư.
- Ứng dụng mô hình quản lý, bảo vệ tài nguyên nước với quan điểm nước là tài sản chung, khả năng áp dụng các mô hình quản lý, bảo vệ nguồn nước với quan điểm nước là hàng hóa kinh tế. Triển khai việc giáo dục ngoại khóa về bảo vệ tài nguyên nước và môi trường cho toàn bộ học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố.
- Tạo sự chuyển biến nhận thức bảo vệ nguồn nước đối với toàn xã hội về tình trạng ô nhiễm, tầm quan trọng của việc phải bảo vệ, cải thiện chất lượng các nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
V.2. Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; đánh giá được hiện trạng khai thác sử dụng và nhu cầu sử dụng nước của cơ sở khai thác, sử dụng nguồn nước; sử dụng nguồn nước phải có Giấy phép khai thác, sử dụng theo quy định.
- Thống kê, kiểm kê các nguồn xả thải vào nguồn nước; phân vùng nguồn nước theo mục đích khai thác, sử dụng, bảo vệ các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng.
- Thiết lập, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và ứng dụng mô hình tổng thể để đánh giá và dự báo một cách hệ thống và đầy đủ diễn biến số lượng, chất lượng nguồn nước mặt của thành phố; phạm vi, mức độ và các mối quan hệ giữa các nguồn gây ô nhiễm tới chất lượng nguồn nước các sông cấp nước ngọt.
- Xử lý những vi phạm pháp luật về khai thác và xả thải vào nguồn nước. Chặn đứng các nguồn xả thải vào nguồn nước, điều tra, thống kê, kiểm kê các cơ sở phát thải gây ô nhiễm nguồn nước, quan trắc phân tích theo tiêu chuẩn hiện hành, buộc các cơ sở sản xuất có phát thải phải có giấy phép xả thải mới được xả thải vào môi trường.
- Lập danh mục các vị trí xả thải (nước thải, rác thải), kế hoạch xử lý triệt để, không để hình thành các bãi rác gần nguồn nước, gây ô nhiễm nước.
- UBND cấp huyện rà soát các nghĩa trang, thống kê số lượng mồ mả lập quy hoạch phương án, lộ trình di dời theo quy hoạch nông thôn mới và tiêu chuẩn vệ sinh quy định.
- Xây dựng các trạm quan trắc cố định, quan trắc định kì, thường xuyên thông báo các thông tin, dữ liệu chính về chất lượng nguồn nước các sông, phấn đấu đến năm 2016-2020 các trạm quan trắc được nâng cấp thành trạm quan trắc tự động.
V.3. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý tài nguyên nước; chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách kiểm soát ô nhiễm nguồn nước liên tỉnh Hải Phòng-Hải Dương-Thái Bình, Hải phòng- Quảng Ninh; liên vùng: Hải Phòng-Quảng Ninh, Đồng Bằng Sông Hồng trong cùng một lưu vực sông nhằm bảo đảm yêu cầu kiểm soát tổng thể, toàn diện về tổng trữ lượng và chất lượng nước trong các lưu vực sông trước khi chảy vào Hải Phòng.
- Rà soát, quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng sở, ban, ngành trong quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố tránh chồng chéo, cản trở việc thực thi các nhiệm vụ.
- Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với toàn bộ các nguồn nước ngọt. Xây dựng quy chế, giám sát, phối hợp trong xử lý vi phạm hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
V.4. Rà soát quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi, quy hoạch hệ thống thu gom; phân chia lưu vực, tiểu vùng thoát nước mặt, xác định đúng, đủ số lượng công trình, trạm xử lý nước thải, hạn chê, tiến tới chấm dứt tình trạng nước thải, nước chảy tràn trên bề mặt đổ, xả trực tiếp vào các nguồn nước trên địa bàn thành phố.
- Lập quy hoạch hành lang và cắm mốc bảo vệ các nguồn nước ngọt chống xâm nhập mặn của thành phố; thực hiện quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật về cấp thoát nước, thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn, giao thông đường thủy, di chuyển các nghĩa trang, bãi rác trong phạm vi bảo vệ.
- Xây dựng quy hoạch hệ thống thu gom nước thải, nước mưa tại các khu vực dân cư tập trung thuộc lưu vực các nguồn nước ngọt giai đoạn 2013-2015; lập quy hoạch đối với các sông Rế; sông Đa Độ; kênh Hòn Ngọc.
- Xây dựng các công trình bảo vệ lòng dẫn, bảo vệ hai bên bờ sông (đắp bờ sông, kè 2 bên bờ sông), kè đất, trồng cây chống xói lở (chú ý giải pháp phi công trình).
- Giải tỏa các công trình xây dựng trong phạm vi, chỉ giới bảo vệ nguồn nước sau khi cắm mốc giai đoạn 2013-2015, giải tỏa các công trình mới phát sinh trái phép hành lang bảo vệ nguồn nước, có lộ trình di dời từ năm 2015-2020.
- Xây dựng các đập điều tiết ở đầu kênh nhánh, ưu tiên xây dựng đập điều tiết kết hợp với giao thông tại Gảnh Chè nhằm ngọt hóa đoạn sông Thái Bình, đảm bảo cấp nước ngọt cho khu vực Vĩnh Bảo và Tiên Lãng để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
V.5. Xây dựng chương trình kiểm soát nguồn gây ô nhiễm phân tán trong lưu vực các sông, kênh.
- Điều tra, khảo sát, khoanh vùng các khu vực có nguồn thải phân tán, đối tượng phát thải; lập phương án kiểm soát nguồn thải phân tán đối với từng đối tượng xả thải nhỏ.
- Trồng cây trên các bãi lọc nhằm giảm vận tốc dòng chảy, tăng khả năng lắng cặn trên bãi; giảm xói mòn và sục cặn từ đáy; ngăn gió và tạo bóng, giảm sự phát triển của thực vật nổi; phân hủy các chất hữu cơ, loại bỏ N, P và diệt vi trùng gây bệnh; duy trì hồ sinh học đã có, tạo mới các hồ trên cơ sở ao, hồ, đầm hiện nay nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa các chất bẩn.
- Xây dựng mô hình thí điểm để đánh giá hiệu quả trước khi triển khai đồng bộ.
V.6. Giải pháp về hợp tác quốc tế.
Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và tranh thủ các nguồn viện trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ hổ trợ tài chính cho lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
V.7. Giải pháp về cơ chế chính sách và nguồn vốn thực hiện.
Giao UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại các sông Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2020, đặc biệt quan tâm đến nguồn ngân sách trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của thành phố.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã đề ra.
- Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
- Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể, tổ chức xã hội tuyên truyền, quán triệt, tổ chức đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết; đồng thời giám sát việc thực hiện Nghị quyết ở các địa phương, đơn vị.
Danh mục kế hoạch, đề án, dự án, công trình ưu tiên tăng cường nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2020 (có danh mục kèm theo).